Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Vay nợ nặng lãi - những kết cục được báo trước - Kỳ 2: Những cuộc bỏ trốn và trả nợ ngoạn mục


Vay nặng lãi, "tín dụng đen”

Đã làm phát sinh nhiều hệ lụy vô cùng tai hại


Sinh viên cũng trở thành "con nợ”


Với lãi suất "cắt cổ” và thời gian phải trả lãi ngắn, chuyện còng lưng trả lãi không hiếm. Số tiền vay lớn đồng nghĩa với việc tiền lãi lớn và không trả hết lãi thì lãi mẹ đẻ lãi con chẳng mấy chốc người vay phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ. Không ít người ví von chuyện đi vay lãi ngày với số tiền lớn thì chỉ có đi buôn… ma túy may ra mới có ngày hoàn trả được cả vốn lẫn lãi. Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn ở loại hình "dịch vụ” này là hầu hết khách hàng đều là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên, hoặc những người có công ăn việc làm vẫn còn đang phập phù, chưa ổn định. Đa phần họ vay tiền là để cờ bạc, đôi khi chỉ để phục vụ mục đích ăn chơi. Và gần như mọi phương án để giải quyết của các "con nợ” này vẫn chỉ xoay quanh một điệp khúc mang tên… "báo về nhà”.


Quân "chuẩn” đã từng là một sinh viên học đến năm thứ 3 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhưng có lẽ môi trường đào tạo về chuyên ngành kinh tế này đã không giúp chàng trai đất thành Nam này "vỡ” ra được những điều tốt đẹp. Ngay từ năm thứ 1, cậu sinh viên vốn hiền như "cục bột” này, thay vì thu nhận được những kiến thức mà thầy cô truyền dạy trên giảng đường lại có "đam mê” với những con số của "môn” lô đề. Tài tình hơn, với miệng lưới dẻo quẹo, quần áo lúc nào cũng chải chuốt, bảnh bao và hơn nữa là cái "ô” của gia đình (cửa hàng vàng nổi tiếng ở Nam Định) Quân đã làm "kinh tế” với ngay các bạn trong lớp, ký túc xá của mình.


Có lẽ, 10 người mà Quân quen thì không ai không là chủ nợ của cậu. Tuy nhiên, do "đầu tư” không hiệu quả vào chuyên ngành "lô đề” nên gần như cứ vài tháng, bố Quân lại phải khăn gói lên Thủ đô để giải quyết nợ nần cho cậu quý tử. Nhưng dường như cái thói cờ bạc đã ăn vào máu chàng sinh viên trẻ. Như các cụ thường nói cờ bạc "được thì ham chơi, thua thì ham gỡ”, cứ lún sâu vào lô đề đến khi số tiền vay mượn bạn bè cũng không đủ để Quân thỏa niềm đam mê "lô đề”, cậu ta mang đồ đạc từ xe máy, laptop… đi cầm cắm. Ngay cái thẻ sinh viên, với cái "uy” của bố, Quân cũng ký gửi được với giá 200 triệu đồng. Chán với ông quý tử "ăn tàn, phá hại” bố mẹ Quân đã quyết "cắt đứt nguồn viện trợ”. Vậy là tín dụng, cầm đồ, chủ nợ bắt đầu thúc nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con, "lãi cháu”. Giấy vay nợ tới tấp chuyển vào khoa, trường. Quân bị đuổi học. Cậu chạy thục mạng về quê để trốn đám côn đồ dọa giết vì bùng nợ. Sợ con phải vào tù, ông bố khổ sở của Quân lại phải lên thanh toán hết nợ nần. Sau vụ đó, "cậu ấm” này bị "cấm tiệt” lên Hà Nội nếu không có sự giám sát của bố mẹ. Buồn rầu nói về ông con "rạch giời” này, bố Quân chỉ biết an ủi: "May mà nó chưa nghiện!”


Chúng tôi quen Hoàng - một sinh viên ĐH. Hoàng nhận lời dẫn tôi xuống Thanh Xuân tìm một quỹ tín dụng đen vay tiền bằng cách cầm thẻ sinh viên. Do đã quen mặt với việc đến cắm thẻ của Hoàng, ông chủ hồ hởi tiếp đón và báo "giá” vanh vách thẻ SV các trường. Cầm cắm được giá nhất là thẻ sinh viên của các trường an ninh, cảnh sát, quân đội quanh Hà Nội. Chẳng hạn thẻ SV trường Sĩ quan L. Cắm được 60 triệu, thẻ SV Học viện C. Cắm được 80 - 120 triệu, thẻ SV Học viện A. Cắm được cao nhất - giá 200 triệu. Theo lời ông chủ tiệm cầm đồ này thì thẻ càng lâu năm (năm 3, 4, năm cuối) càng cắm được nhiều. Hình thức cầm cắm là tín chấp, viết giấy vay tiền. Đây là các thẻ ngành, để mất đã rắc rối rồi, giờ mang cắm trường biết là đuổi ngay, nên ai cắm không chuộc thì bố mẹ phải chuộc.



Và bần cùng sinh tội lỗi


Không ít trường hợp những con nợ phải vay mượn, cầm cố đồ đạc, thậm chí là cầm cố đồ đạc của bạn bè, gia đình hay phạm tội trộm, cướp, lừa đảo, đến lúc quá quẫn con nợ giết chết chủ nợ rồi bỏ trốn.


Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử Hà Cao Kỳ (SN 1985, ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) về tội "Giết người”. Theo cáo trạng vụ án, vào tháng 11-2011, Hà Cao Kỳ có vay của anh Nguyễn Hữu Được (SN 1985, là người cùng thôn) 20 triệu đồng. Anh Được đã nhiều lần đòi nhưng Kỳ chưa trả được khoản vay này. Tối 25-2-2013, anh Được tiếp tục gọi điện đòi tiền thì Kỳ nói không có tiền để trả. Anh Được bực tức văng bậy trong điện thoại. Đến 21h20 cùng ngày, anh Được nhắn tin hỏi Kỳ đang ở đâu thì anh này cho biết đang chơi ở sân chơi của xóm Chùa, Triều Khúc. Sau khi trả lời tin nhắn cho anh Được, lo sợ sẽ bị chủ nợ đánh nên Kỳ đã về nhà lấy một con dao giấu vào cạp quần rồi trở ra xóm Chùa ngồi đợi. 15 phút sau, Kỳ thấy anh Được đi xe máy cùng với một người bạn đến. Tại đây, Kỳ bị anh Được túm cổ áo, lôi vào giữa sân, túm tóc, dúi đầu xuống đòi nợ. Trong lúc chống đỡ, Kỳ đã rút con dao đâm liên tiếp vào người anh Được, trong đó có nhát trúng ngực và tay nạn nhân. Anh Được bỏ chạy một đoạn thì gục xuống đường và tử vong.


Đáng thương tâm hơn là trường hợp của bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1952, trú ở phố 2, phường Vân Giang, TP.Ninh Bình). Được thừa kế số tiền hơn 1 tỷ đồng, bà Mai cho vợ chồng Nguyễn Quang Hiệp và Hoàng Thị Lư vay 650 triệu đồng với lãi suất ngày là 9%. Tuy nhiên, sau 3 lần được vợ chồng Hiệp và Lư trả lãi đầy đủ bà Mai không thấy "con nợ” tiếp tục trả lãi nên nhiều lần gọi điện thúc giục. Nhận thấy không có khả năng thanh toán số nợ cho bà Mai, vợ chồng Hiệp và Lư bàn nhau sát hại bà Mai để "xù” món nợ 650 triệu và số tiền lãi hơn 200 triệu đồng, tổng số tiền là hơn 850 triệu đồng. Khoảng 18h ngày 26-1, vợ chồng Hiệp gọi điện cho bà Mai đến phòng trọ ở số 2, phố Tân Văn, TP.Ninh Bình để trả nợ và dặn bà Mai mang theo giấy nợ cùng sổ đỏ miếng đất ở TP.Ninh Bình mà vợ chồng Hiệp và Lư đứng tên. Sau khi bà Mai tới phòng, Lư dẫn bà Mai vào buồng còn Hiệp đi phía sau cầm chày đập 2 phát vào đầu khiến bà Mai tử vong. Sau khi sát hại bà Mai, vợ chồng Hiệp dùng dây thắt quanh cổ nạn nhân, trói tay chân rồi cho vào bao tải và bọc kín bằng một túi ni lông lớn để tránh máu chảy ra ngoài. Sau đó, hai vợ chồng Hiệp và Lư dùng xe máy chở thi thể bà Mai tới một cống nước thải gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình (thuộc phường Tân Thành, TP.Ninh Bình) sau đó ném thi thể nạn nhân vào cống nước sâu 15m.


Và hàng ngày, không ít những vụ án nghiêm trọng liên quan đến vay nặng lãi vẫn tiếp diễn. Đây đang là một thực trạng nhức nhối làm nảy sinh những vấn đề gây mất an ninh, trật tự và gia tăng các tệ nạn xã hội khác.

Minh Sơn – Đức Nguyên


[Kỳ 1:Một ngàn lẻ một cách cho vay]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét