Cấp phát thuốc cho người dân tại Trạm y tế xã Tiến Xuân (Thạch Thất). Vốn được nghe nói về ba xã xa xôi, heo hút nhất Thủ đô, nào là đường đi khó khăn, núi đồi trùng điệp, nhiều hộ dân không có điện sinh hoạt... Chúng tôi không khỏi ngại ngần. Nhưng cán bộ huyện Thạch Thất cười bảo, "đó là chuyện năm năm về trước rồi". Bây giờ, đường về các xã được trải nhựa phẳng lỳ, ô-tô, xe máy chạy bon bon qua những thửa ruộng xanh rì lúa vào vụ chiêm, những đồi sắn xanh mướt trải dài. Dọc bên đường và thấp thoáng giữa những tán cây, những ngôi nhà cao tầng, khang trang, hiện đại mọc lên. Điện sinh hoạt được kéo về từng nhà. Tối đến, ánh đèn điện sáng trưng, tiếng ti-vi, tiếng đài rộn ràng trong các thôn xóm... Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tháng 8-2008, ba xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) chính thức được sáp nhập về Hà Nội. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của Thủ đô. Chính vì vậy, ngay sau khi sáp nhập về Hà Nội, thành phố dành sự ưu tiên đặc biệt cho khu vực này. Thành phố đầu tư gần 425 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, trạm y tế, hệ thống điện, đài truyền thanh, cơ sở vật chất trường lớp, trụ sở làm việc... Cho các xã. Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương cho biết, xã đã được đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng 33 công trình hạ tầng. Đến nay, các cơ sở thiết yếu như đường điện, đường giao thông, trường học các cấp, trạm y tế đã hoàn thành, khang trang, hiện đại. Tất cả các tuyến đường liên thôn được kiên cố hóa. 50% số đường nội thôn và hệ thống kênh mương được bê-tông hóa... Đến thăm Trường THCS Yên Trung, chúng tôi thấy thay cho dãy nhà cấp bốn tạm bợ trước đây, là hai tòa nhà ba tầng với hàng chục phòng học đẹp đẽ, rộng rãi, bàn ghế mới tinh. Sân trường được lát gạch sạch sẽ. Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được xây dựng lại, kinh phí hơn 17 tỷ đồng, mới được đưa vào sử dụng từ tháng 9-2012. Ngoài các phòng học, trường còn có cả phòng thể chất rộng hơn 300 m2 và các phòng bộ môn, phòng máy tính... Phục vụ việc giảng dạy, học tập. Cô Lan Hương xúc động nói: "Gắn bó với ngôi trường 23 năm qua, tôi không dám nghĩ có ngày trường lại được xây dựng khang trang, đẹp đẽ như thế này. Cả cô, trò và mọi người dân trong vùng đều phấn khởi. Trước đây, các tuyến đường đều là đường đất, đi lại khó khăn, mùa mưa nước lũ từ các con suối dâng lên, khiến các em đến trường vất vả. Nay, đường đi thuận tiện, trường lớp sạch đẹp, máy móc, thiết bị giảng dạy hiện đại, học sinh ham học hơn". Cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng đã tạo nền tảng cho người dân tập trung phát triển kinh tế. Năng suất lúa tăng từ 48 tạ/ha năm 2007 lên khoảng 60 tạ/ha năm 2012. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới đạt hiệu quả cao như mô hình trồng hoa ly ở thôn Đại Đồng, xã Yên Bình, giúp các hộ dân có thu nhập từ 2,5 đến 2,8 tỷ đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn rừng ở xã Tiến Xuân, thu nhập 15 tỷ đồng/năm... Thu nhập bình quân của người dân đã tăng gấp hai, ba lần so với thời điểm năm 2008, đạt 15,16 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. Năm 2012, xã Yên Trung chỉ còn 50 hộ nghèo (chiếm 5,74%), xã Tiến Xuân còn 93 hộ nghèo (chiếm 5,8%)... Bên cạnh trồng lúa, trồng rừng, nhiều gia đình chuyển hướng tập trung chăn nuôi. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, chị Bùi Thị Biên ở thôn Đồng Dâu, xã Tiến Xuân. Chị Biên phấn khởi cho biết, gia đình chị có trang trại nuôi hơn 5.000 con gà và khoảng 30 con lợn thịt. Chị vừa bán cả đàn gà được giá, đang chuẩn bị chuồng trại để nuôi lứa tiếp theo. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình cũng thu được khoảng 300 triệu đồng từ chăn nuôi, có tiền sắm sửa vật dụng trong nhà như xe máy, ti-vi, tủ lạnh, máy giặt... Chị Biên chia sẻ, đường nhựa sạch sẽ, điện kéo về tận nhà, cho nên việc đi lại, buôn bán, liên lạc của người dân thuận tiện hơn trước nhiều. Ngoài giờ làm, những lúc rảnh rỗi, chị thường xuyên tham gia các buổi họp của Hội Phụ nữ xã, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi các mô hình phát triển kinh tế gia đình với các chị em khác. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Văn Lý, kinh tế ngày một cải thiện, cho nên đời sống văn hóa tinh thần cũng phát triển hơn trước. Anh Đinh Xuân Yên, cán bộ văn hóa xã Tiến Xuân cho biết, dân tộc Mường vốn nổi tiếng với những bản nhạc và điệu múa cồng, chiêng. Trước đây, chỉ có một vài gia đình trong xã có cồng, chiêng, rồi vì thiếu thốn mà cũng bán mất, tiếng cồng, tiếng chiêng gần như mất hẳn. Mấy năm nay, được sự quan tâm của thành phố, sáu đội cồng, chiêng của sáu thôn trong xã đã được thành lập, được cấp kinh phí mua cồng, chiêng. Huyện Thạch Thất tổ chức lớp tập huấn cho thành viên trong đội. Những lúc ngơi việc đồng áng, bà con trong các thôn, bản lại cùng nhau luyện tập, biểu diễn, giao lưu... Bên cạnh việc phục hồi những sinh hoạt văn hóa truyền thống, xã vận động các hộ dân loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Trước đây, các đám cưới thường được các gia đình tổ chức rình rang, ăn uống kéo dài đến hai, ba ngày, rất tốn kém, nay nhà nào cũng tổ chức gọn nhẹ với khoảng 300 khách. Các hủ tục như cúng ba ngày, mười ngày trong các đám tang đều được hủy bỏ. Nạn rắc vàng mã ra đường làng, ngõ xóm nay đã hết hẳn... Dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng so với các vùng khác của Thủ đô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của ba xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của thành phố, thì quan trọng nhất vẫn là nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, tinh thần trách nhiệm và năng lực của mỗi cán bộ lãnh đạo, xây dựng vùng đất mới ở phía tây Thủ đô trở thành vùng quê giàu đẹp, no ấm. NGUYÊN TRANG |
Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013
Khởi sắc ở vùng quê phía tây thành phố
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét