Theo ghi nhận của PV Sức khỏe&Đời sống, ở miền Trung đang xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh là phóng viên đi phổ biến kiến thức phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng thực chất là để bán các phương tiện chữa cháy rởm. Lừa bán thiết bị chữa cháy rởm Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh Quảng Bình (Phòng PC66 Quảng Bình) cho biết, vừa qua có nhiều đối tượng đã liên tục liên hệ với Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình (trụ sở tại phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (tập trung vào các trường học). Những đối tượng mang tên Bình, Quý, Hoàng... Tự xưng là người của báo Nhân đạo & Đời sống (NĐ&ĐS) đến để tổ chức phổ biến kiến thức cơ bản về an toàn PCCC nhưng không ai xuất trình được một loại giấy tờ gì chứng minh ngoài bản photocopy Công văn số 04 CV-VPĐDPN (Văn phòng đại diện phía Nam) của báo này. Cụ thể, công văn được ký ngày 15/8/2012, về việc chương trình hỗ trợ giáo dục phổ biến miễn phí kiến thức cơ bản an toàn PCCC cá nhân. Theo đó, báo NĐ&ĐS phối hợp với Trung tâm Tư vấn an toàn PCCC thuộc Công ty TNHH MTV PCCC Toàn Dân (trụ sở đóng tại 332/114/14 Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp, TP. HCM, có giấy chứng nhận đăng ký của Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, cấp ngày 22/2/2012) tổ chức phổ biến kiến thức PCCC cá nhân miễn phí đến mọi thành phần người dân, các đơn vị tổ chức, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa. Thượng úy Đinh Xuân Hồng - Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, Phòng PC66 Quảng Bình, cho biết: “Với cách thức lợi dụng công văn này, các đối tượng nói trên đã giả danh là phóng viên, cộng tác viên của báo NĐ&ĐS đi phổ biến kiến thức PCCC nhưng nội dung phổ biến lại không theo yêu cầu về tập huấn PCCC mà mục đích là tập trung dùng lời lẽ để lôi kéo mọi người mua thiết bị chữa cháy rởm”. Lúc 16 giờ chiều 20/6, trong khi một đối tượng đang “tác nghiệp” tại hội trường của Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình với khoảng 60 “học viên” thì Phòng PC66 Quảng Bình đã phối hợp với Công an phường Bắc Nghĩa ập vào bắt quả tang và đưa đối tượng trên về công an phường. Theo hồ sơ mà Phòng PC66 Quảng Bình cung cấp, đối tượng này khai nhận: Tên là Đặng Minh Hoàng (SN 1987), đăng ký HKTT tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội và hiện đang tạm trú tại 124 - Nguyễn Văn Cừ, TP. Đồng Hới. Lúc đầu, khi lực lượng công an yêu cầu dừng buổi phổ biến để làm việc, Hoàng nhận mình là phóng viên của báo NĐ&ĐS. Nhưng khi về Công an phường Bắc Nghĩa, đối tượng lại “hạ cấp bậc” xuống khai là cộng tác viên. Phía công an yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh là người của báo NĐ&ĐS thì Hoàng lại “khai thật” là nhân viên của Công ty TNHH PCCC Toàn Dân, nhưng trụ sở lại đóng tại 17 - Lý Văn Tố, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng (!?). Tiếp đó, công an yêu cầu xuất trình các giấy tờ tùy thân cũng như giấy tờ chứng minh là người của Công ty Toàn Dân thì Hoàng lại đưa ra lý do là đã bị mất toàn bộ giấy tờ ở Hà Tĩnh ngày 19/6 (!?). Hoàng khai: Tối 19/6, Hoàng ra TP. Đồng Hới theo sự phân công của công ty để tuyên truyền và giới thiệu bán bình chữa cháy do Nguyễn Thanh Bình - người cùng công ty và là người trực tiếp quản lý mình, giới thiệu. Việc ai hẹn với trường thì Hoàng không biết, còn Bình, hiện đã đi công tác tận Nha Trang. Phòng PC66 Quảng Bình qua kiểm tra đã thu giữ một bình bột chữa cháy loại 2kg để “chào hàng”, được dán giá là 720.000 đồng (cao hơn 3 - 4 lần giá trị thực tế), nhưng kèm một tập phiếu ưu đãi bán chỉ với giá 495.000 đồng. Trên phiếu này còn có dấu đỏ của Công ty TNHH MTV thiết bị POWER Việt Nam, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng và số điện thoại: 0511 3701 117. Bằng các nghiệp vụ kiểm tra PCCC, lực lượng PC66 kết luận bình chữa cháy không đạt tiêu chuẩn quy định và Hoàng không đưa ra được giấy tờ chứng minh chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.
Lừa đảo khắp miền Trung? “Qua xác minh, “nạn nhân” của các đối tượng mạo danh báo chí này không chỉ có Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình. Trước khi Hoàng bị bắt quả tang, nhiều trường học trên địa bàn như: THPT Đào Duy Từ, Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Hải Thành, THCS số 1 Đồng Sơn, Làng trẻ em mồ côi SOS Quảng Bình (cùng ở TP.Đồng Hới), Tiểu học Lương Ninh (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) đã mắc lừa các đối tượng và bỏ tiền mua bình chữa cháy không đạt tiêu chuẩn với số lượng không nhỏ” - Thượng úy Hồng nhận định. Cũng theo Phòng PC66 Quảng Bình, các đối tượng này hoạt động rất có hệ thống ở nhiều tỉnh, thành khác của miền Trung. Các đối tượng thường không mang theo giấy tờ tùy thân liên quan để dễ “thoát nhanh” khi bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra. Hiện, Phòng PC66 Quảng Bình đang lên phương án theo dõi và tăng cường ngăn chặn hành vi lừa đảo tương tự. Từ nguồn tin riêng của phóng viên, nhiều trường học tại Thừa Thiên Huế cũng bị các đối tượng mạo danh người của báo NĐ&ĐS, qua cách “ngụy trang” phổ biến kiến thức PCCC để bán bình chữa cháy dỏm. Đơn cử có Trường THCS Lộc Sơn (xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng này đã lừa bán được 5 bình chữa cháy cũng với giá 500.000đồng/bình. “Họ gồm 2 nam thanh niên, giới thiệu là phóng viên báo NĐ&ĐS và “ép” nhà trường. Trên màn hình chiếu tập huấn có chiếu rõ ràng: Báo NĐ&ĐS, Trung tâm tư vấn an toàn phòng chống cháy nổ. Trường thiếu cảnh giác nên không ngờ được là họ mạo danh” - thầy Bạch Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Sơn thừa nhận. Phải cảnh giác cao Tại TP.Đà Nẵng, Sở Cảnh sát PCCC & CNCH cũng đã phát thông báo gửi các cơ quan, đơn vị đề phòng một số tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tuyên truyền về PCCC để lừa đảo. Trước đó, sở này nhận được nhiều phản ánh về việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động tuyên truyền miễn phí nhưng mục đích chủ yếu là quảng cáo, buôn bán hàng đa cấp (bình chữa cháy và các phương tiện chữa cháy khác) với giá cao hơn thực tế. Còn theo Phòng PC66 Quảng Bình, các đối tượng này hoạt động tự do, không có địa chỉ và thay đổi số điện thoại liên tục nên khó xác định để xử lý theo pháp luật. Phòng cũng đã có thông báo đến công an các huyện và các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này và báo ngay với các cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời. Thượng tá Phan Mậu Cảnh, Trưởng Phòng PC66, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thực tế, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC là nghĩa vụ thường xuyên của cảnh sát PCCC. Trước tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp, thiệt hại ngày càng lớn, để tránh bị các đối tượng lợi dụng quấy nhiễu, thực hiện mục đích xấu, để không phải “tiền mất tật mang”, các đơn vị, tổ chức, cá nhân cần có tinh thần cảnh giác cao độ, khi cần hỗ trợ về công tác PCCC nên liên hệ trực tiếp với lực lượng PCCC”. Bài và ảnh:TRẦN ĐÔNG HÀ |
Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013
Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo mới
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét