Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

"Đũa thần" hô biến nợ xấu, ngân hàng báo lãi ngàn tỷ



Tờ VnEconomy mới đây công bố một số thông tin về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của các ngân hàng thương mại, theo đó các ngân hàng được thống kê đều báo cáo lãi.

6 tháng các ngân hàng báo lãi hàng ngàn tỷ đồng.Ảnh: TPO.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố kết quả 6 tháng cho thấy, ngân hàng này đã đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gần 52% kế hoạch năm.

Một số ngân hàng chưa công bố thông tin chính thức, nhưng tham khảo từ Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) kết quả cơ bản cũng đã định hình, như Ngân hàng Quân đội (MB) lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt khoảng 1.750 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch năm; Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tương đương 46% kế hoạch cả năm.

Đây quả là một tín hiệu đáng mừng trong tình hình kinh tế khó khăn chung như hiện nay, khi chỉ 6 tháng đầu năm đã có gần 25.000 doanh nghiệp dừng hoạt động.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 7 đạt 10,2 tỷ USD, xuất siêu được 85 triệu USD. Tuy nhiên, nguồn tăng chính cho xuất khẩu vẫn ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi xuất siêu khoảng 110 triệu USD trong nửa đầu tháng 7.

Trong khi đó, lãi suất cho vay hiện nay các ngân hàng thương mại áp dụng bình quân khoảng 11-12%/năm. Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm trần lãi suất vay về mức 9%/năm, tuy nhiên chỉ áp dụng với 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại; Phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Kinh tế khó khăn, doanh nghiệp dừng hoạt động lớn, lãi suất vay vẫn còn cao, nhưng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn đạt con số rất lớn. Đấy là chưa kể những trở lực lớn tồn tại ngay trong ngân hàng, như tỷ lệ nợ xấu của toàn nền kinh tế ước tỉnh khoảng từ 4,5 - 4,7%, các ngân hàng thương mại phải chi số tiền lớn để mua vàng tất toán trước thời hạn 30/6 vừa qua.

Để đạt được những thành tích đó, không biết có công lao của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văng Bình hay không, người mới đây được đề cử danh hiệu “Công bộc Nhân dân”. Một người mà được dư luận biết tới với lời hứa khi mới nhậm chức là đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới, vì “vàng chênh 400.000 đồng/lượng là bất thường”.

Và rồi cả năm hoạt động nổi bật nhất của Ngân hàng Nhà nước là quản lý thị trường vàng, để giá chênh hiện nay duy trì ổn định ở mức 4-5 triệu đồng mỗi lượng, mà theo Ngân hàng Nhà nước là “không có gì bất thường”, vì đạt được mục tiêu đề ra, phần chênh lệch thuộc về ngân sách, tức là toàn dân được hưởng.

Thông tin các ngân hàng thương mại lãi lớn đúng thời điểm Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) bắt đầu hoạt động, việc xử lý nợ xấu có thêm một công cụ đặc thù. Không rõ đây có phải là lý do giúp các ngân hàng lãi hay không, khi mục tiêu chính của VAMC ra đời cũng là để cứu các nhà băng đang ôm đống nợ xấu, đặc biệt trong cho vay bất động sản.

Phát biểu tại lễ khai trương hoạt động công ty VAMC ngày 26/7 Thống đốc Bình nhấn mạnh: “Chúng ta phải khẳng định VAMC không phải là “chiếc đũa thần” để có nó mà hết nợ xấu, hay xử lý được triệt để nợ xấu. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng đây là thêm một công cụ để góp phần với nhiều công cụ khác để xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tình hình tài chính của các ngân hàng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng ta chỉ dừng lại ở góc độ khiêm tốn đó thôi”.

Trước đó, trong một bản giải trình thông tin liên quan, Ngân hàng Nhà nước dự kiến công ty này sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Mục đích gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà cũng là để làm ấm thị trường bất động sản, từ đó giúp các nhà băng giải quyết một lượng lớn vốn đang “đóng băng” cùng thị trường.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất muốn tiếp cận được vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, trải qua nhiều công đoạn, thủ tục mà chưa chắc đã tiếp cận được vốn, nếu vay được lãi suất cũng không hề thấp. Và vì vậy, dù vốn huy động tăng, nhưng tín dụng cho vay tại các nhà băng lại không tăng tương ứng, mà nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi “vậy dòng tiền gửi của người dân chảy đi đâu?”.

Câu hỏi hày ai cũng trả lời được, nhưng xin nhường lại cho Thống đốc để ông phát ngôn cho được phần chính thức.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét